Đưa công nghệ vào sản xuất hỗ trợ nông dân

Năm 2008, ông Nguyễn Tấn Biền (thôn Bắc, xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa) sáng tạo thành công máy tách vỏ đậu, tạo tiếng vang rất tốt đối với nông dân. Sản phẩm này đã được giải khuyến khích của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Khánh Hòa và tại cuộc thi “Sáng tạo nhà nông” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức năm 2009. Đồng thời được tham gia chương trình “Gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tổ chức năm 2015.

 

Tuy được vinh danh nhiều lần nhưng ông Biền vẫn rất băn khoăn. Để bảo vệ công trình sáng tạo của mình, ông đã đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). “Mình có công trình, có sản phẩm nhưng chắc gì công trình của mình mãi là của mình. Sản phẩm của tôi làm ra hiện nay chưa phát hiện ai nhái nhưng biết đâu ở nơi nào đó người ta nhái thì mình làm sao thưa kiện?”, ông Biền nói. Đồng thời cho biết, hiện nay, nông dân muốn đăng ký tác quyền thì phải tốn một khoản lệ phí. Công trình của ông làm thủ tục hồ sơ mất từ 3 đến 4 triệu đồng nhưng 2 năm sau mới được công nhận. Ngoài ra, để được bảo vệ tác quyền phải đóng 2 triệu đồng/năm và đóng liên tục trong 5 năm nhưng sau 5 năm thì Nhà nước không bảo hộ nữa. Do khó khăn về kinh phí nên ông Biền đành rút lui.
Cũng vì những lý do trên mà đến nay, ông Nguyễn Thành (xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh) vẫn chưa mặn mà để đăng ký SHTT. Trưởng thành từ nghề cơ khí, ông Thành đã cải tiến rất nhiều sản phẩm như: máy hút chân không công nghệ kết tinh đường, sản xuất củi mía… Vừa qua, ông Thành đã nghiên cứu và sản xuất thành công máy lột vỏ keo – một thiết bị rất “hot” đối với người trồng keo hiện nay nhưng ông rất ngại phải “trình làng”. Hai điều băn khoăn của ông hiện nay là: Nhà nước hỗ trợ được gì cho nông dân, trong khi chi phí cho công trình của ông tốn cả tỷ đồng, bởi có chi tiết ông phải đặt hàng ở nước ngoài tốn rất nhiều tiền, ông phải vay ngân hàng để làm. Và liệu việc đăng ký SHTT có bảo đảm khi nạn sao chép, nhái sản phẩm khá phổ biến.

 

Ông Nguyễn Tấn Biền bên máy tách vỏ đậu
Ông Nguyễn Tấn Biền bên máy tách vỏ đậu

 

Có nhiều kênh hỗ trợ
Trao đổi xung quanh vấn đề này, bà Huỳnh Thị Kiều Châu – chuyên viên Sở KH-CN cho biết: Hiện nay, Nhà nước có nhiều kênh hỗ trợ nông dân trong lĩnh vực SHTT, đặc biệt là việc xây dựng thương hiệu.
Vừa qua, tỉnh đã hướng dẫn nông dân xây dựng một loạt chỉ dẫn địa lý tại thị xã Ninh Hòa như: dừa xiêm Ninh Đa, hoa cúc Ninh Giang… Hiện nay, một số cá nhân trên địa bàn tỉnh đã được Sở KH-CN hỗ trợ xây dựng thương hiệu như: nước mắm Thừa Ân (TP. Cam Ranh), kiệu Ngọc Ẩn (Cam Ranh)… Thông qua vận động của Hội Nông dân tỉnh, tỉnh cũng đã tổ chức phiên chợ nông sản hỗ trợ việc tiêu thụ nông sản cho nông dân. Ngành Công Thương xúc tiến quảng bá sản phẩm cho nông dân tại các hội chợ. Sáng tạo giàn lưỡi cày 7 chảo của nông dân Lưu Văn Khoa (Diên Khánh) đã được cấp bản quyền SHTT và được hỗ trợ quảng bá.
Được biết, về lệ phí là quy định chung theo Thông tư 263/2016 của Bộ Tài chính. “Điều quan trọng là nông dân hãy tin tưởng vào chính sách của Nhà nước, đăng ký với cơ quan chức năng để được hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ; nếu nông dân không đăng ký làm sao cơ quan chức năng biết để hỗ trợ. Về bảo đảm quyền lợi SHTT, Nhà nước có đủ cơ sở để bảo vệ. Nếu có khiếu nại về việc nhái sản phẩm đã được bảo hộ, các cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm giải quyết”, bà Châu nói.
theo Vĩnh Lạc

Nguồn: báo khánh hòa

Comments

comments

Tin Liên Quan