Triển lãm quốc tế lần thứ 12 Propak 2017 trình làng nhiều công nghệ mới
Diễn ra từ ngày 21-23/3 tại TPHCM, Triển lãm quốc tế lần thứ 12 về Công nghệ xử lý, chế biến và đóng gói bao bì (Propak 2107) đã quy tụ 407 đơn vị tham gia đến từ 28 quốc gia, vùng lãnh thổ, với nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến và trang thiết bị hiện đại.
Đó là các công nghệ đóng gói bao bì, đóng chai và đóng hộp thực phẩm – đồ uống, công nghệ chế biến và đóng gói dược – mỹ phẩm, máy móc và thiết bị in ấn, nguyên vật liệu và linh kiện đóng gói, công nghệ an toàn vệ sinh thực phẩm, công nghệ môi trường và xử lý chất thải…
Trong số những sản phẩm nhận được sự quan tâm của nhiều khách tham quan có máy cắt Kongsberg X24 starter của Đức, lần đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam. Máy được chế tạo với công nghệ tự động hoàn toàn từ khâu design, in 3D, rồi cắt thành sản phẩm bằng laze. Sau khi cắt xong, nhân công chỉ việc gấp lại thành hình đã được thiết kế sẵn mà không cần phải sử dụng keo dán.
Máy cắt Kongsberg X24 starter.
Được tích hợp từ công nghệ 4.0, hệ thống module cơ điện tử 4.0 của Tập đoàn Bosch với 3 trạm làm độc lập giải quyết việc lắp ráp khối lập phương, từ việc di chuyển ra khỏi kệ cho đến máy xử lý và di chuyển đến nơi dự trữ trong các kệ cao tầng ở nhà kho. Toàn bộ hệ thống được vận hành với các thiết bị thông minh như máy tính bảng, smartphone.
Máy đóng gói tự động dạng L (Đài Loan) được coi như đột phá mới trong lĩnh vực đóng gói tự động, thích hợp đóng gói sản phẩm cho các ngành thực phẩm, thủy sản, nhựa gia dụng,… Máy được thiết kế với các tính năng bảo vệ và báo lỗi. Hệ thống dao hàn có thể hoạt động liên tục, không cần thay đổi và không bị bốc khói.
Máy đóng gói tự động dạng L của Đài Loan.
Ngoài ra, các loại thiết bị như máy dệt tròn, kéo sợi, tráng ghép màng (Ấn Độ); máy đóng gọi dạng nằm tốc độ cao, máy chiết rót và dán màng tự động, máy đóng gói màng co, máy gấp giấy tự động (Đài Loan)… cũng được nhiều khách quan tâm.
Máy dệt bao bì PP của Ấn Độ.
Ông Trần Việt Dũng – Phó Giám đốc Công ty tổ chức triển lãm VCCI – cho biết, trong những năm gần đây, chế biến và đóng gói bao bì là một trong những ngành công nghiệp phát triển mạnh ở Việt Nam, với mức tăng trưởng trung bình hằng năm vào khoảng 15-20%. Trong thời gian tới, các loại bao bì, túi xách tiếp tục được sản xuất và tiêu thụ mạnh. Cũng theo ông Dũng, do công nghệ chưa phát triển nên ngành công nghiệp bao bì chưa thực sự tạo ra được những giá trị và mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, ngành công nghiệp bao bì Việt Nam muốn tăng trưởng sẽ phải đối đầu với những thách thức lớn về công nghệ, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tăng cường hiện đại hóa thiết bị, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất để có thể tự mình đứng vững trên thị trường.
Triển lãm Propak 2017 là cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận với những công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại nhằm cải tiến và nâng cao năng lực sản xuất trong nước.
Nguồn: khoa học phát triển